Thursday, 02/05/2024, 9:12 PM
Welcome, Guest | RSS
Menu
Mini-chat
200
Thăm Dò Ý Kiến
Rate my site
Total of answers: 27
Thống Kê
Main » 2010 » December » 30 » Bal Canar: Kinh đô cuối cùng của vương quốc Champa
3:15 PM
Bal Canar: Kinh đô cuối cùng của vương quốc Champa
Chính sách Nam Tiến của Đại Việt làm cho vương quốc Champa mất dần các tiểu vương quốc Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị), Amaravati (Quảng Nam, Huế), Vijaya (Bình Định). Mặc dù bị thất thủ, Champa vẫn còn giữ được chủ quyền tại tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang, Phan Thiết) ở miền Nam cho đến năm 1832, khi Minh Mạng quyết định xóa bỏ lãnh thổ Champa.
Năm 1771, phong trào Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại chúa Nguyễn. Trong cuộc chiến này, anh em nhà Tây Sơn chiếm được một số đất đai ở miền Trung khi quân chúa Nguyễn rút về Gia Định tổ chức kháng cự giành lại ngôi báu.

Lãnh thổ Panduranga-Champa (trấn Thuận Thành) lâm vào thế ở giữa hai gọng kìm, Tây Sơn và chúa Nguyễn. Chính vì thế dù muốn hay không các sắc dân Churu, Raglai, Kaho và Chăm cũng bị lôi cuốn vào cuộc chiến. Theo sử sách Việt Nam, cả Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh đều muốn làm chủ lãnh thổ Panduranga để làm nơi trú quân hoặc nơi ngăn chặn các cuộc tấn công của phe địch. Cho nên, trong suốt cuộc nội chiến tương tàn, lãnh thổ Panduranga là bãi chiến trường đẫm máu giữa hai anh em thù địch tranh giành quyền lực. Vì chiến tranh luôn luôn xảy ra trên lãnh thổ của mình, các vuơng quyền Panduranga khó lòng giữ tư thế trung lập chính trị. Nền độc lập của Panduranga thật là mỏng manh, nó hoàn toàn lệ thuộc vào tương quan lực lượng giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn.

Năm 1802, sau khi thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng hiệu Gia Long. Nhà vua cải tổ lại vương quốc Đại Việt để tránh những xung đột tương tàn Nam-Bắc có thể xảy ra ; ông không muốn trở lại thời kỳ đối đầu Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn-Nguyễn Ánh trước đó. Gia Long chia lãnh thổ ra làm ba vùng, miền Bắc, gọi là Bắc Thành, gồm 13 trấn dưới quyền cai trị của Lê Văn Thiềng. Miền Nam, gọi là Gia Định Thành gồm 6 trấn và đặt dưới quyền lãnh đạo của Lê Văn Duyệt. Lãnh thổ miền Trung, còn gọi là Phú Xuân, do triều đình nhà Nguyễn trực tiếp quản lý. Còn lãnh thổ Panduranga, từ vịnh Cam Ranh đến Bình Tuy và Đồng Nai Thượng (Đà Lạt, Lâm Đồng), tức là vùng đất không nằm trong trấn Bình Thuận, được trao cho một người thuộc hoàng tộc Champa, lúc đó là Po Saong Nhung Ceng mà sử sách Việt gọi là Nguyễn Văn Chấn, cai trị.

Sở dĩ có sự phân định lại lãnh thổ này là vì Gia Long muốn thăng thưởng cho những người đã cùng ông chiến đấu chống Tây Sơn. Đặc biệt nhà vua ban cho vùng đất Panduranga một qui chế tự trị, dòng họ Po Saong Nhung Ceng trở thành vương tộc chính thống. Gia Long giao cho Po Saong Nhung Ceng toàn quyền cai trị lãnh thổ và dân chúng Champa theo đúng tập tục cổ truyền của tiểu vương quốc Panduranga ngày trước, nghĩa là được quyền tổ chức chính trị, hành chánh, quân đội theo cách riêng để gìn giữ an ninh và dẹp loạn, nhưng không được chống lại triều đình Huế, và khi cần giúp triều đình dẹp loạn. Dân cư gốc Việt sinh trú tại nơi đây được đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của một quan trấn thủ Bình Thuận người Việt.

Lòng trung thành của Po Saong Nhung Ceng đối với Gia Long là tuyệt đối, tình bằng hữu đối với Lê Văn Duyệt, người bạn chiến đấu chống Tây Sơn, chắc như keo sơn.

Được hưởng sự bảo hộ của triều đình Huế và tổng trấn Gia Định Thành, Po Saong Nhung Ceng canh tân lại đất nước bằng cách khôi phục lại kinh tế, cải tổ hành chánh, thay đổi những nhân sự trong thời chiến tranh 1771-1802. Những cải tổ sâu rộng này gây tiếng vang ra đến tận Huế.

Năm 1820 Gia Long băng hà tại Huế, hoàng tử Đạm lên ngôi xưng hiệu là Minh Mạng. Ngay khi vừa lên ngôi, để tỏ quyền uy, Minh Mạng đã lấy một số quyết định ngược lại với những gì Gia Long chủ trương. Minh Mạng triệu Trương Văn Chánh về Huế, người được Lê Văn Duyệt cử ra coi trấn Bình Thuận, và thay vào đó là Mai Văn Lương. Đơn phương thay đổi nhân sự tại Bình Thuận, Minh Mạng muốn dằn mặt Lê Văn Duyệt, người được Gia Long giao toàn quyền cai trị sáu Trấn thuộc Gia Định Thành. Minh Mạng cũng nhân dịp này muốn tỏ mình là người nắm trọn quyền hành trên toàn lãnh thổ và với tất cả mọi người, kể cả các vị đại thần giữ cấp bậc cao nhất trong triều chính.

Sau khi cách chức trấn trưởng Bình Thuận do Lê Văn Duyệt đưa lên, năm 1822 Minh Mạng tách Bình Thuận khỏi Gia Định Thành để sát nhập vào lãnh thổ trực thuộc triều đình Huế. Sự phân chia lại lãnh thổ hành chánh này chỉ nhằm cô lập và hạ bệ Lê Văn Duyệt, người được dân chúng địa phương mến mộ như một vi vua, để ông không còn cơ hội can thiệp trực tiếp trên phần đất này.

Để thực hiện uy quyền của mình tại Panduranga, vua Minh Mạng triệu phó trấn Panduranga là Po Klan Thu (theo tài liệu Việt là Nguyễn Văn Vĩnh) về Huế mà không cho biết lý do. Sự kiện này chưa hề xảy ra trong cuộc bang giao giữa Huế và Panduranga từ trước tới nay. Sự triệu tập này xảy ra vào đúng lúc trấn vương Panduranga, Po Saong Nhung Ceng người bạn chiến đấu ngày xưa của Gia Long và Lê Văn Duyệt, đang hấp hối trên giường bệnh.

Mục tiêu triệu tập Po Klan Thu về Huế của Minh Mạng là sau khi Po Saong Nhung Ceng chết, các chức sắc Panduranga sẽ không có dịp tôn Po Klan Thu lên thay Po Saong Nhung Ceng. Đây cũng là dịp để Minh Mạng hạ bệ uy tín của Lê Văn Duyệt, vì nếu để Lê Văn Duyệt ủng hộ sự tấn phong Po Klan Thu, uy thế ông ta sẽ lên cao và như càng bền chặt hơn đối với dân chúng ở Panduranga.

Po Saong Nhung Ceng mất năm 1822 tại kinh đô Canar (Tịnh Mỹ, Bình Thuận), các chức sắc địa phương tổ chức đám tang theo đúng nghi lễ của người Chăm nhưng không có sự hiện diện của Po Klan Thu, vì đang bị cầm chân tại Huế, và như thế không được lên thay thế vị lãnh tụ Chăm vừa quá cố ở Panduranga. Thay vào đó, Minh Mạng cử một người Chăm thân tín của triều đình, tên Bait Lan, vào quản lý Panduranga. Quyết định này, không hề được thông báo trước cho triều chính Panduranga, đã gây một ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng thần dân Panduranga. Vua Minh Mạng đã không tôn trọng một tập quán ngoại giao đã có từ trước đến nay giữa hai triều đình : triều đình Huế phải chấp nhận người cai trị Panduranga do chức sắc Panduranga tiến cử.

Tuy không có mặt, dân chúng Panduranga vẫn coi Po Klan Thu là như người kế vị chính thức Po Saong Nhung Ceng. Sự nhìn nhận không chính thức này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Panduranga : sự trung thành của người Chăm đối với triều đình Huế giảm dần. Trong bối cảnh chính trị rối loạn và phức tạp đó, tháng 8 năm 1822, một lực lượng cách mạng do Ja Lidon lãnh đạo nổi lên chống lại Minh Mạng, đòi triều đình Huế phải tôn trọng thẩm quyền tôn vương của người dân Panduranga. Những người nổi dậy chiếm một vùng đất từ Tây-Nam Phan Thiết, vùng đất tận cùng phía Nam của Panduranga, đến biên giới Gia Định Thành làm căn cứ.

Trước tình thế nguy ngập này, Po Klan Thu, vị phó trấn Panduranga vẫn kẹt ở lại Huế, đã yêu cầu Minh Mạng tái xét lại tình hình chính trị tại Panduranga và được chấp thuận. Bait Lan bị triệu về Huế và Po Klan Thu được đưa vào thay thế. Ai cũng biết hành động phong chức cho Po Klan Thu chỉ là một hành vi chiến thuật, vì Minh Mạng vẫn muốn đánh dẹp các phong trào chống đối để củng cố trật tự và bảo vệ quyền lợi cư dân Việt trên đất Bình Thuận. Nhưng hành động đi nước đôi này của Minh Mạng, phong chức một người mà do chính mình đưa lên rồi sau đó lại hạ bệ để đưa kẻ mình không ưa lên ngôi, đã làm suy giảm uy tín của Minh Mạng trước mặt dân chúng và các chức sắc Panduranga.

Sau 7 năm cầm quyền, Po Klan Thu mất năm 1828. ỞÛ đây cũng xin mở một dấu ngoặc nhỏ, đó là các chức sắc ở Bal Canar chỉ hay tin Po Klan Thu mất do các quan chức Việt ở trấn Bình Thuận thông tin. Không ai biết Po Klan Thu chết ở kinh đô Canar hay trên lãnh thổ Panduranga vì không có một tài liệu nào nói đến cái chết của ông. Ở Huế, Bình Thuận hay Panduranga ? Không ai biết. Nhưng có một điều chắc chắn là Po Klan Thu đã chết trên đất Việt, vì hung tin do trấn trưởng Bình Thuận báo cho các chức sắc Chăm biết về cái chết này.

Sau khi Po Klan Thu mất, mọi người chờ đợi Minh Mạng và Lê Văn Duyệt đưa người lên kế vị. Cả hai đều tìm cách đưa người thân tín của mình lên nắm chính quyền ở Panduranga, vì Panduranga là địa thế chiến lược rất quan trọng nằm giữa khu vực kiểm soát của nhà vua lẫn Lê Văn Duyệt.

Theo đúng thủ tục chọn người kế vị, ban nghi lễ phải thỉnh các chức sắc Panduranga, hội đồng ngai vàng dưới sự cố vấn của Lê Văn Duyệt và Minh Mạng. Lê Văn Duyệt muốn người nối ngôi này phải là con của Po Saong Nhung Ceng (mất năm 1822), tức Phaok The (tài liệu Việt là Nguyễn Văn Thừa), mà người cha là bạn chiến đấu cùng ông trong việc chống lại Tây Sơn. Vua Minh Mạng thì không bằng lòng vì e rằng nếu để Lê Văn Duyệt tiến cử người thân tín ra cai trị Panduranga thì ảnh hưởng của ông ta sẽ mạnh hơn chính mình. Thế là có cuộc xung đột, sự tranh giành ảnh hưởng giữa một vị vua và một tổng trấn trở nên công khai.

Trong thực tế, Lê Văn Duyệt hoàn toàn kiểm soát sinh hoạt chính trị tại Panduranga, ông chỉ muốn tái lập lại uy tín mà vua Minh Mạng đã tước đoạt từ tay ông năm 1822. Dần dà với thời gian, uy quyền của ông lấn át nhà vua tại Panduranga. Theo các tài liệu Chăm còn lưu lại, đa số chức sắc và dân chúng Chăm, Churu, Raglai, Kaho đều nghe theo Lê Văn Duyệt và không những cắt đứt mọi liên lạc với triều đình Huế mà còn oán ghét vua Minh Mạng, một vị vua không được lòng dân.

Lê Văn Duyệt mất năm 1832, vua Minh Mạng liền tìm mọi cách kiểm soát Panduranga và Gia Định Thành. Không chịu nổi sự trả thù báo oán này, con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi đã kêu gọi dân chúng Gia Định Thành, trong đó có người Chăm tại Châu Đốc và Bình Thuận, nổi lên chống lại triều đình Huế trong những năm 1833-1835. Nhóm người này ủng hộ Lê Văn Khôi vì mến mộ công đức của Lê Văn Duyệt, kế là muốn được hưởng qui chế tự trị vì lý do tôn giáo nếu Lê Văn Khôi thành lập được một lãnh thổ riêng biệt, tách khỏi sự kiểm soát của triều đình Huế. Quân Chăm ở Châu Đốc rất thiện chiến nhờ tinh thần chiến đấu cao và được trang bị vũ khí tối tân của phương Tây. Đầu năm 1833, sau khi đánh bại quân triều đình từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận (trong đó có quân Chăm của trấn Thuận Thành) vào dẹp loạn, Lê Văn Khôi xua quân lên đánh chiếm các tỉnh đông-bắc Gia Định. Trấn Thuận Thành là địa bàn gần nhất để quân của Lê Văn Khôi tiến vào. Trước sức ép của phe nổi loạn, quan trấn thủ Bình Thuận bỏ thành chạy về Diên Khánh, quân của Lê Văn Khôi tràn vào sát hại tất cả những ai ủng hộ Minh Mạng, trong đó có rất nhiều người Chăm. Nhưng năm 1835 phong trào nổi loạn của Lê Văn Khôi bị dập tắt trong máu lửa, những người chống đối bị bắt đem về Huế xử trảm, trong đó có những vị lãnh đạo tôn giáo Pháp và Chăm.

Từ sau ngày đó, vua Minh Mạng áp dụng kỷ luật sắt để cai trị và trải rộng uy quyền trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Những hình phạt mà vua Minh Mạng dành cho những viên chức cũ của Gia Định Thành rất là dã man, nhất là vụ đào mả Lê Văn Duyệt để trả thù. Tuy vậy, ít ai biết những gì đã xảy ra cho dân chúng Panduranga, nhất là những người đã được Lê Văn Duyệt che chở hay theo Lê Văn Khôi. Vua Minh Mạng đã áp dụng một cách triệt để chính sách Việt hóa Panduranga và ra lệnh thâu góp tất cả những tin tức về cuộc sống của dân tộc Chăm, đặc biệt là về hai tôn giáo Bàlamôn và Bani, để khống chế. Các vị quan Việt được cử tới cai trị buộc các chức sắc và dân chúng Chăm ăn mặc kiểu Việt Nam, tìm đủ mọi cách buộc người Chăm bỏ tín ngưỡng, tôn giáo của họ, thậm chí còn cho diễn tuồng ở những nơi thờ phượng của người Chăm, bắt gái Chăm phải kết hôn với trai Việt. Ngoài việc bị đóng thuế cao, những thanh niên Chăm còn bị bắt đi làm tạp dịch, đốn cây để đóng tàu, làm xe bò cho các quan chức địa phương. Người ta có thể coi hành vi này như một sự phá hoại, hủy diệt hệ thống tinh thần và trật tự ngày xưa đã làm nền tảng cho dân tộc này. Đó là mục đích của hình phạt mà Minh Mạng dành cho dân chúng Panduranga sau 1832.

Chính sách phân biệt đối xử của Minh Mạng đã châm ngòi cho sự vùng dậy của phong trào Katip Sumat (1833-1834) và mặt trận Ja Thak Va (1834-1835). Hai người này chủ trương đánh đuổi quân Việt để phục hồi lại vương quốc Panduranga-Champa.

Để đánh dẹp quân nổi dậy, Minh Mạng áp dụng một chính sách cực kỳ tán ác, "đất đai đỏ lửa", nghĩa là đi đến đấu đốt phá tới đó, không cho dân chúng Chăm xây dựng lại nhà cửa và canh tác đất đai. Người Chăm bỗng dưng trở thành nạn nhân của chính sách tàn bạo này. Hàng loạt các làng xã Chăm sống về ngư nghiệp ở dọc theo bờ biển từ vịnh Cam Ranh đến Lagi (Bình Tuy) bị đốt phá không tiếc thương, rất nhiều người đã chạy qua Campuchia, Thái Lan, thậm chí còn dùng thuyền vượt biển chạy sang Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân lánh nạn.

Chưa hả cơn tức giận của mình, vua Minh Mạng còn ra lệnh cấm chức sắc hai tôn giáo Bàlamôn và Bani không được tổ chức Katê và Ramadan, hai ngày lễ tôn giáo lớn nhất của người Chăm. Sự cấm đoán này kéo dài trong suốt 8 năm (1834-1842). Sự tàn khốc của chiến tranh và chính sách bóp nghẹt tôn giáo đã làm cho hai tôn giáo này suy tàn. Tháp Po Sah Anaih (tiếng Việt là tháp Po Sah Ina, Phan Thiết), nơi thờ phượng linh thiêng nhất của người Chăm, bị bỏ hoang không được chăm sóc. Rất nhiều nơi thờ phượng khác đã bị xóa tên, không còn vết tích. Rất nhiều sắc tộc Nam Đảo (Raglai, Churu) và Môn Khmer (Kaho) sinh sống trên cao nguyên Di Linh đã giúp hàng chục ngàn người Chăm băng rừng qua Campuchia lánh nạn.

Từ sau giai đoạn đó, dân số Chăm giàm xuống hẳn và sự hội nhập của người Chăm vào xã hội Việt Nam bị khựng lại. Dân tộc Chăm bị liệt vào hạng "man" và chịu chung số phận với những sắc tộc thiểu số sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn và trên cao nguyên miền Trung.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm lịch sử như vậy, vết thương trong lòng người Chăm rất khó hàn gắn. Từ một vương quốc có chủ quyền, có một nền văn minh sáng chói, để rồi cuối cùng trở thành một vùng đất bị trị và bị phân biệt đối xử, cái nhìn của người Champa về tương lai rất là yếm thế. Chính vì không thấy chỗ đứng của mình trong lòng dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Champa như con thuyền mất định hướng, đã sống vì bắt buộc phải sống nhưng chưa thể đóng góp hăng say hơn vào sự nghiệp xây dựng một đất nước chung, một tương lai chung.

Trách nhiệm của chúng ta, những người tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam là phải tìm cho ra một chính sách hội nhập thuận tình thuận lý để huy động sức mạnh bất động này. Đây là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với đất nước. Nếu thành công, dân tộc Việt Nam sẽ được sự kính phục của cả thế giới.

Ya Biloh ( Cheoreo)
(Theo champa.org)

Views: 669 | Added by: up | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Tìm kiếm
Lịch
«  December 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
   1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031
Tạo Mới