Theo bước chân mẹ Em vuốt bình bằng bàn tay nhỏ bé Tuổi mười hai Quay vòng năm tháng dặm dài Hát bài ca từ đất… Con gái Chăm ở Bầu Trúc, Ninh Phước biết làm gốm từ nhỏ. Những đôi mắt to đen của bao cô bé như biết cười với đất, và luôn hát ca cùng gió hun hút trên đồi cát. Bầu Trúc là thế. Đến với Phan Rang -Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận ai cũng phải mềm lòng vì những chùm nho tím ngọt lịm vì nắng vàng như rượu. Nhưng cũng không thể khỏi ngỡ ngàng vì những đôi mắt Chăm chạm khắc lên mặt gốm hồng, như một trời sao lấp lánh khắp làng Bầu Trúc. Cách thị xã Phan Rang chừng 10 cây số, đó là một phường gốm cổ nguyên sơ, đầy bản ngã, thô tháp như thủa ngàn xưa, chẳng một chút đổi thay. Những bước chân của các cô gái Chăm có sự ám ảnh kỳ lạ bởi họ níu kéo thời gian như ngừng trôi. Thế giới như trẻ lại sau muôn vàn vòng quay ngược chiều kim đồng hồ theo bàn chân của các cô gái. Và, bao bình hoa đất ngát hương, cùng tháp Chàm huyền ảo cùng các vũ nữ Chăm hiện lên như quà tặng của trời đất ban cho con người nơi đây. Lần này tôi về làng Bầu Trúc theo lời hẹn của nghệ nhân Đàng Thị Phan, cách đây đã bảy năm, khi bà trình bày nghệ thuật làng gốm nghệ thuật của người Chăm tại Hà Nội. Nghe nói sau lần gặp gỡ đó, bà còn mang đất của làng đi Nhật, Malaysia và Ấn Độ vào năm 2005 để làm hàng cho người ta tận mắt thấy lạ. Đúng là lạ. Gốm Chăm độc đáo nhất là thế giới con người chính là bàn xoay, và phải nung gốm bằng củi, rơm, trấu ở ngoài trời. Tôi vừa bước vào nhà, biết là mình đã lỡ một mẻ than hồng. Bà cười nhưng lại có ý trách tôi không về đúng lúc đốt lửa, theo lời hẹn năm nào. Cả hai đều tiếc rẻ, nhưng bà vội dẫn tôi vào trong nhà xem con trai bà đang thực hiện bức phù điêu về hình tượng một người mẹ Chăm đi dự hội lễ Katê. Tôi ngạc nhiên vì nghe nói, ở làng con trai làm gốm hiếm lắm, từ xưa chỉ có đàn bà con gái mới mó tay vọc đất. Hơn nữa, nơi đây vẫn còn giữ một số quy định của chế độ mẫu hệ, như con trai phải lấy họ mẹ, con gái cưới chồng. Người chồng phải ở rễ hàng năm trời, lao động giúp việc cho nhà vợ, không có quyền hành gì. Vậy mà giờ đây, anh chàng Đàng Năng Tự đã theo nghề mẹ, làm gốm, dựng tượng và trợ giúp mẹ bán hàng. Nhìn dãy tượng được sắp xếp khắp nơi trên sân. Tôi như bị các cặp mắt tượng thôi miên vậy. Đàng Năng Tự khoe, đây là những tác phẩm anh làm theo mẫu của ông cậu ruột, là nhà điêu khắc Đàng Năng Thọ. Thấy tôi cứ mãi mê ngắm và trầm trồ trước các bức tượng, nghệ nhân Đàng Thị Phan nheo mắt cười rồi nói: - Bây giờ cả làng này làm hàng mỹ thuật rồi. Khách du lịch đến mua nhiều. Ai có nhiều hàng đẹp thì giàu to chú ạ. Rồi bà ngước đôi mắt đặc quánh chất Chăm; to đen, đuôi nheo dài trên nền da nhàn nhạt nâu sạm; nhìn tôi tâm sự nhiều chuyện về sự đổi mới của làng quê. Khi nhắc đến họa sĩ Đàng Năng Thọ, được bà kể tôi mới hay, như bao đứa trẻ trong làng, cậu bé Đàng Năng Thọ cũng bắt đầu từ đất của cái làng này; lớn lên và trở thành một tài năng xuất chúng. Giờ đây, Đàng Năng Thọ là niềm tự hào của làng, và được nhiều thanh niên đến học nghề làm tượng. Tôi nhìn bức tượng tháp Chàm trầm mặc ở cuối vườn, không hiểu sao những câu thơ của Chế Lan Viên dội về từ trong tâm khảm. Nhưng câu thơ u hoài và nuối tiếc về sự mất mát những mảnh hồn Chăm xa xưa, trong lịch sử. Tôi đã thuộc nó từ ngày cắp sách và quên đi trong dĩ vãng. Vậy và giờ đây, gặp đôi mắt Chăm của mẹ Phan, ngắm biểu tưởng Tháp Chàm của Đàng Năng Tự, tôi bổng nhớ lại: Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi Những đền xưa đổ nát dưới thời gian Những sông vắng lê mình trong bóng tối Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than. (“Trên đường về”) Tôi cũng hay rằng, dù ông không phải là người Chăm, nhưng lại thấm đẫm hồn Chăm. Tập thơ Điêu tàn đã nói lên điều đó. Chàng thi sĩ tài hoa ngày ấy đã “hóa” đời mình cùng Chăm, sẽ chia cùng những khổ đau, tuyệt vọng, qua hàng chục tác phẩm thi ca. Chẳng ai có thể quên bài “Đêm Xuân sầu” của ông, với khổ thơ: Trên đồi lạnh Tháp Chàm ủ rũ? Hay hận xưa muôn thủa vẫn chưa nguôi? Hay lạnh đạm, Hời không về tháp cũ? Hay xuân sang Chiêm nữ chẳng vui cười? Có tới bốn câu hỏi trong một khổ thơ. Đó là sự ẩn ức trong con tim tuyệt vọng và ngơ ngác với thân phận tàn phai. Chăm của Chế là vậy! Nhưng giờ đây, qua bao cuộc bể dâu, Chăm khác xưa rồi. Mới rồi! Mới với nụ cười trẻ thơ chảy dọc con đường làng. Mới với mẹ Phan cùng người con trai, họa sĩ Đàng Năng Tự, cùng ngôi tháp hồng lên trong nắng. Chăm mới với Đàng Năng Thọ. Tượng của ông đi khắp thế giới, như mọc cánh vậy, bay sang các nước, ngự ở các bảo tàng Đức, Anh, Ý… Tôi lững thững đi về phía cuối vườn ngắm bức tượng vũ nữ Chăm, với nhiều cảm xúc khó tả. Bởi lẽ nếu không đến đây, cái làng gốm cổ này và nếu không sải bàn chân lên những dãy cát trắng của Ninh Phước, thì thật khó hình dung màu sắc Chăm ra sao. Bất chợt khi bước vào phòng làm tượng của Đàng Năng Tự, tôi thấy một cuốn sách, bìa màu đất, khá dày dặn, nằm trên giá gỗ. Tôi cầm lên xem trong lúc đó Đàng Năng Tự vẫn mãi sủa lại chi tiết trên phù điêu. Thì ra đó là cuốn Văn hóa Xã hội Chăm của Inrasara. Một nhà thơ và là nhà nghiên cứu dân tộc Chăm. Quê ông ở chỉ cách làng Bầu Trúc một con đường. Đó là làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Đàng Năng Tự dừng tay kể rằng, nhà thơ Inrasara đã lập một Bảo tàng Văn hóa Chăm ngay tại nhà mình. Tuy nhỏ nhưng nhà thơ đã sưu tầm được nhiều di vật cổ của người Chăm. Có thể nói nhà thơ là người nghiên cứu và viết sách về văn hóa Chăm sâu sắc và nhiều nhất hiện nay. Sau đó Đàng năng Tự còn đưa cho tôi xem tập thơ Tháp nắng của ông. Tôi bất chợt giở vài trang rồi dừng lại ở bài thơ “Quê hương”. Sao cũng ngậm ngùi làm vậy. Một phiên bản của Chế chăng? Tôi tự hỏi rùi lật sang trang khác. Những khổ thơ, câu thơ của ông cứ lướt nhanh, với những tâm trạng, dây dứt, hồ nghi: Đang rời bỏ hạt mần chưa nguội Đang quay lưng đường cày chợt thức Hay như: màu nắng chung nhưng tôi-em linh hồn ngoảnh mặt Như chưa từng khổ đau Và thật may sao tôi bắt gặp một khổ thơ rất hay, ông viết trong Lễ Tẩy trần tháng Tư: Sống nghĩa để tạ ơn ơn ngai đầy tràn nằm ngoài chân trời đếm đo được mất tạ ơn làm cho ta lớn lên Tôi như thoát khỏi sầu muộn mà hồn Chăm còn khuất lấp trong thơ ông. Chí ít ra tôi đã nhớ ngay câu thơ mới của ông với sự lắng đọng hồn Chăm. Và nó làm tôi ngẩn ngơ hoài: Quỳ gối dưới mặt trời thức giấc mỗi sớm mai Và, có lẽ gốm của Tự cũng nói lên điều đó. Có những cô gái múa điệu Chăm. Cũng có cô gái còng lưng bên lò gốm. Nhưng còn có cô gái quỳ gối trước mặt trời và nguyện cầu hạnh phúc, trong nghi lễ cưới. Thế là từ thơ cảm xúc của Inrasara đã lan truyền sang những bức tượng đất màu hồng, điểm tô cho vườn tượng thật kỳ bí. Lúc này, mẹ Phan cùng cô con gái mới đi chở về dọn dẹp sân, chuẩn vị việc giở hàng trong đóng tro tàn còn ấm nóng. Tôi ngồi cạnh Đàng Năng Tự thật đúng chất Chăm. Trầm lắng nhưng không buồn. nhìn và nghĩ về ánh mắt. Trong lòng vui hãy để ánh mắt cười. Nhiều cặp mắt của tượng suy tư là vậy nhưng lại chuyện động trong nhịp Chăm cùng gió cát. Đôi mắt của Tự cũng thế. Tôi thấy ấm áp và gần gũi biết bao. Một làn gió từ con sông Quao ùa tới. Tôi đứng dậy cùng mẹ Phan kéo những bình lọ ra khỏi tro tàn. Đó là những lu, hũ, nồi, chậu, bình lọ quen thuộc của làng gốm. Bỗng nhiên người con gái hát một câu bằng tiếng Chăm, nói lên sự tạ ơn từ đất và cát từ sông Quao đã cho mọi người miếng cơm manh áo. Mà đất sét ở con sông này lạ lắm. Nó phải được trộn với cát sông Lu thì mới làm nên nét duyên gốm Bầu Trúc. Người ta còn nói sau khi khai thác hết đất sét, dân làng lấp lại trồng nho. Chỉ 5 năm sau, đất trồng cây lại hóa thành đất sét để làm gốm. Lời hát trong bài ca tạ ơn trời đất thật lay động biết bao. Giọng cô nhẹ vang lên như tiếng gió trên đồi cát vàng. Tôi vội cầm một chiếc bình lên vì thấy hình vòi rượu đỏ au như có men của nho vậy. Mẹ Phan vừa dặn dò con gái về màu sắc của các mặt hàng. Tôi nghe như rót vào tai, cảm giác như mẹ đang nói với chính tôi rằng, khi chính tới gốm Bầu Trúc có màu sắc đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen sám, bợt nâu… chắc đất sông Quao là thế, qua lửa và qua bàn tay của mẹ đã làm nên mảnh hồn Chăm độc đáo. Thật tự nhiên như bao đời nay. Tôi lắng nghe tiếng mẹ nói hay tiêng cô gái hát? Không! Có âm thanh nào đó bí ẩn lắm, u… u vang lên trong tôi. Nghe như tiếng gió hút qua ô cửa nhỏ tháp Chàm và lại như âm thanh xôn xao trên đồi cát nắng. Hay đó chỉ là lời ca não nùng của Chế Linh ngậm ngùi nơi xa xứ. Một giọng hát Chăm làm sao xuyến biết bao trái tim yếu đuối của các cô gái. Không hiểu sao giọng hát đầy ẩn ức ấy lại vang trong tâm tưởng tôi lúc này. Có lẽ hồn Chăm đã trở về sau 30 năm xa sứ chăng? Đời lữ khách Chế Linh giờ hẳn đã niền nở hơn và dịu dàng hơn, khi hát về quê hương. Những âm thanh vô thường từ hư không, long lanh như những hạt ngọc trong veo, hút theo chiều gió cuốn bay tàn tro, làm lộ ra những bình gốm khoe sắc hồng ánh lên giữa sân. Tôi chợt quay lại và nhận ra ánh mắt to đen của Đàng Năng Tự như đang thì thầm với bức tượng các cô gái quỳ trong lễ hội trước ánh mặt trời. Một phác thảo của anh được vừa lóe lên từ câu thơ của Inrasara. Đó là những đôi mắt Chăm đã ám ảnh tôi. Tôi đứng lặng giữa sân trầm mình trong nắng vàng óng như mật của chùm nho Phan Rang thơm đầy bụi phấn. và tôi trong con tim đã ấp ủ một lời hẹn với Bầu Trúc xa xôi này giống như nhà thơ Inrasara đã “Giấu chút nắng quê hương vào túi / Làm hành trang mai mốt tìm về”.
Source: http://inrasara.com |