Thursday, 28/11/2024, 9:40 PM
Welcome, Guest | RSS
Menu
Mini-chat
200
Thăm Dò Ý Kiến
Rate my site
Total of answers: 27
Thống Kê
Main » 2011 » March » 27 » Có một Chămpa giữa lòng châu thổ
5:52 PM
Có một Chămpa giữa lòng châu thổ
Có một Chămpa giữa lòng châu thổ

Ngó lên Châu Đốc
Ngó xuống Vàm Nao
Sóng bổ lao xao
Em thương anh mà ruột thắt gan bào
Biết anh có thương lại
Biết anh có thương lại
Chút nào hay không !

Lần theo câu ca dao, qua phà Châu Đốc, đoàn sưu tầm dân ca Chăm chúng tôi tìm về một vùng văn hoá tưởng chừng như khép kín giữa lòng Nam Bộ. Lần đầu tiên đối diện với khúc sông đầu nguồn châu thổ, ai cũng choáng ngợp trước sự trù phú của con nước phù sa : hàng trăm, hàng ngàn bè cá mang trên mình những ngôi nhà kiên cố, những thương hiệu muôn màu, muôn vẻ san sát trên sông.

Đêm đầu tiên ở cù lao An Phú, chúng tôi như sống lại những ngày khai sơn phá thạch của đoàn người Nam tiến. Trong tiếng đàn kìm lắng sâu, tiếng đàn sến tuôn đổ, trong điệu hát Trường tương tư, Dạ cổ hoài lang, Trăng thu dạ khúc còn vang vọng đâu đây Xuân nữ, Hành vân, Tứ đại oán, Nam Bình... Dường như người dân Nam Bộ nào ai cũng hát được và hát hay, xuống sáu câu vọng cổ rất mùi.

Khi vào bàn tiệc, khi tiếng đàn sến, đàn ghita phím lõm cất lên, những chức tước, những danh vị trong đời như gác lại, bây giờ chỉ còn anh Tư, anh Sáu, dì út... hết sức bình dị, gần gũi thân thương. "Cái tôi là cái đáng ghét nhất" - và cái tên đại diện cho cái tôi đã được thay thế bởi thứ bậc sinh trưởng trong gia đình !

NGƯỜI CHÂU GIANG LÀ AI ?

Châu Giang là một xã đối diện với châu thành huyện Châu Phú, nằm bên kia bờ sông Hậu thuộc tỉnh An Giang, có đông đảo người Chăm sinh sống. Châu Giang là tên gọi Hán-Việt do người Kinh dùng để chỉ một cù lao giữa dòng Cửu L ong do phù sa bồi đắp. Châu Giang gợi lên vẻ đẹp sông nước thơ mộng, êm đềm đồng thời cũng là trung tâm giao thương của nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa vốn là nghề truyền thống của người Chăm trong tương quan trao đổi hàng hoá với người Việt, Hoa, Khme và các cư dân thuộc quần đảo Mã Lai. Ngoài Châu Giang, các làng Chăm khác vẫn in đậm dấu vết pha trộn ngôn ngữ của cư dân có nền văn hoá đa sắc tộc : Đa Phước (Koh Kabõa), Katambong, Phum Soài, La Ma, Đồng Cô Ki, Tam Hội.

Ngược dòng lịch sử về những thiên niên kỷ trước, những triều đại Chăm pa suy vong trên đường Nam tiến đã dừng lại ở Tây Ninh, Châu Đốc và sang tận vương quốc Campuchia : Vua Pô Chơn là vị vua cuối cùng của vương quốc Chămpa theo Hồi giáo khi sang lánh nạn ở Campuchia đã lôi cuốn đa số người Chăm theo Hồi giáo rời quê hương. Và chính họ đã dừng chân lập cư bên bờ Châu thổ !

CHĂM hay CHÀM ?

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về thăm non nước giống dân Hời...

Cứ mỗi lần đến thăm những cổ tháp, đền đài Chăm hiu quạnh, tôi lại nhớ đến nhà thơ Chế Lan Viên. Ông yêu mến nền văn hóa Chămpa, mỗi chữ trong mỗi bài thơ của ông dường như được đúc bằng những viên gạch Chàm kỳ bí. ấy vậy mà trong một khúc ca bi tráng, ông đã dùng chữ Hời để chỉ dân tộc Chămpa ! Chữ Hời ở miền Trung phát nguyên từ chữ hời dùng để gọi nhau giữa người Chăm, nhưng với chính người Chăm thì chữ Hời biểu lộ một dụng ý khinh miệt. Cư dân Chămpa tự gọi mình là Chăm chứ không phải Chàm, vốn là một từ tiếng Việt. Tại Ninh Thuận, Bình Thuận, người ta còn gọi là Chăm Chuh và Chăm Bani để phân biệt người Chăm theo Bà-la-môn và người Chăm theo Hồi giáo - một tôn giáo chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ thứ X ở Chămpa. Theo tác giả Dohamide, cách gọi này cũng giống như người Việt phân biệt lương và giáo - chỉ những cư dân theo đạo Cơ Đốc.

Một điều cũng cần phải biết là người Chăm Châu Đốc không bao giờ thích người khác gọi mình là Chà hay Chàvà (Java). Chà là xuất xứ từ chữ Ja kèm theo tên để gọi nhau thân mật trong giới trẻ đồng trang lứa tương tự như "thằng" trong tiếng Việt. Ví dụ như Hô Sanh, Su Lây Man thì trong câu chuyện thay vì gọi nguyên tên thì những âm đầu bị bỏ mất đi, chỉ giữ âm chót và ghép với Ja: Ja Sanh, Ja Man. Chà ở đây hoàn toàn không phải là cách gọi tắt của Chà và như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Trẻ em Việt chơi với trẻ em Chăm phát âm trại Ja thành Chà. Cũng như người miền Trung đọc trại khách trú (người Hoa) thành các chú. Chà và là tiếng có nguồn gốc từ Java để chỉ những thương nhân người ấn hoặc người Hồi quốc ở Sài Gòn hoặc một số tỉnh lỵ Nam Bộ khác, còn riêng tại Châu Đốc thì có một bộ phận cư dân được gọi là Java ku - cư dân Mã Lai nói tiếng Khme.

TIẾNG TRỐNG LÀNG CHĂM

Châu Đốc, An Phú, Tân Châu là nơi lập cư của người Chăm Nam Bộ. Cư dân ở đây sống thành từng xóm quanh các thánh đường Hồi giáo tráng lệ mà người dân gọi một cách hết sức bình dị là Chùa Chăm. Một sự hòa hợp rất chân thành giữa vùng đất đa sắc tộc và đa tôn giáo.

Người Chăm dù đi bất cứ đâu vẫn giữ y phục truyền thống của mình : vấn chăn thay quần, đầu đội mũ hoặc quấn khăn. Người Chăm không uống rượu và ăn thịt heo, con gái đến tuổi cập kê thường ở trong nhà, nép sau bức màn, đi đâu thường có người lớn đi theo. Nếu người theo đạo Phật mỗi tháng có hai lần đi lễ, người theo đạo Cơ Đốc xem lễ vào ngày chủ nhật thì ngư­ời Chăm Nam Bộ mỗi ngày có năm lần hành lễ tại thánh đường.

Chúng tôi đã đến thăm nhà ông giáo cả Musa Haji (Haji là phụ danh cao quý chỉ người đã từng hành hương về thánh địa Mec-ca), người đã tập hợp những người hiểu biết nhất về tiếng Chăm Nam Bộ ở An Giang để thống nhất từng chữ và biên dịch lại trọn vẹn 6 cuốn sách song ngữ tiếng Việt ra tiếng Chăm, giảng dạy song song trong nhà trường cấp một vào ngày thứ năm ở các lớp có học trò người Chăm Nam Bộ. Bằng chiếc máy chữ với bộ chữ cái tiếng ả Rập, phải thêm vào 6 dấu nữa bằng tay, sau khi đánh xong, ông đã dịch hằng trăm trang sách giá trị ra tiếng Chăm Nam Bộ, phổ biến trong cộng đồng Chăm ở An Giang, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đường sưu tầm nền văn hóa cổ người Chăm, chúng tôi đã dừng lại ở thánh đường Darul Eih San, thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú. Người Chăm gọi nơi này là Kokpọ (Cồn Tơ), vì nơi đây ngày trước vốn là nơi sản xuất dâu tằm để cung cấp cho nghề dệt vải, một nghề truyền thống của người Chăm Nam Bộ.

Thăm một lớp dạy đọc kinh, chúng tôi lại càng hiểu hơn tấm lòng người Chăm Nam Bộ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ âm nhạc, kiến trúc cho đến nghi lễ đều in đậm bản sắc văn hóa Chăm. Người Chăm tiếp khách ở nhà sàn trên nền chiếu bông, cây đòn đông gác theo trục Đông - Tây đón khách chứ không gác theo trục thần đạo Bắc - Nam như nhà người Việt, người Hoa. Khác với người Chăm Bình Thuận, âm nhạc của người Chăm Nam Bộ không có múa, không sử dụng bất kỳ nhạc khí nào ngoài bộ gõ : trống Thummạ, vốn là đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp Nam á. Đôi bàn tay điêu luyện của người nhạc công vừa vỗ hai đầu trống để đệm cho người ca sĩ hát hoặc vừa tự đệm vừa hát. Tiếng trống biến ảo, tài tình có thể cất lên mọi tiết tấu âm nhạc, từ dân ca Chăm trầm lắng đến những điệu rumba, boléro, valse hay tango... Trên bình diện văn hóa, âm nhạc bao giờ và trước tiên cũng là thứ ngôn ngữ sinh động nhất, nên chúng ta thấu hiểu vì sao những khúc ca của người Chăm bao giờ cũng viết bằng điệu thức thứ trầm lắng,thánh lễ, dịu dàng.

DÒNG SÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Hai nhánh nước
cánh tay trời vạm vỡ
Ru chàng trai làng Gióng
dựng miền Nam
Không đuổi giặc với thanh gươm
mà mở đất với cây đàn...

Xuôi tắc ráng về Châu Giang, nhìn lại phía thượng nguồn, dòng Cửu Long - nơi chia đôi dòng nước - như hai cánh tay vạm vỡ, cuồn cuộn ôm lấy dải cù lao trù mật : Phú Tân, An Phú, Chợ Mới, Tân Châu. Có lẽ không nơi nào trên đất nước ta tên đất, tên làng lại nói lên sự giàu có, bình yên và đầy nhựa sống như ở nơi sông Tiền, sông Hậu phân nhánh tỏa khắp châu thổ này !

Tôi đã uống thử nước ở vùng núi, vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nhấm nháp vị trong lành của suối nước cao nguyên Trung Bộ... Giờ đây tôi lấy hai tay vụm thử một ngụm phù sa châu thổ. Mỗi dòng nước sông quê có mùi vị nồng đượm rất đáng yêu và tôi hiểu rằng hạnh phúc của đời tôi là được đi trên mảnh đất này, được bơi tắc ráng với người con gái Châu Giang giữa cánh đồng ngập nước mùa bông điên điển ! Không có ai thương người châu thổ bằng con nước phù sa : Hãy để cho nước ngập đồng lắng đọng hạt châu, gội sạch những nhiễm ô mà vì mưu sinh, con người thời công nghiệp hóa đã để lại trên ruộng lúa. Hãy để mỗi năm nước về tắm mát vườn, ruộng một lần ! Đừng đắp đê bao ngăn nước để có thêm một vụ lúa mà đất phải cạn kiệt, héo mòn. Đừng lấp đi một cửa sông làm lệch cán cân sinh thái mà thiên nhiên ban tặng. Đừng tạo những giống lúa quá ngắn ngày không đủ thời gian hấp thụ khí thiêng sông núi. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong; thuận với quy luật tự nhiên thì tồn tại, nghịch với tự nhiên thi mất !

GIỮA LÒNG CHÂU THỔ

Tôi có một biệt lệ không bao giờ dùng địa danh Đồng bằng sông Cửu Long, mà là CHÂU THỔ CỬU LONG. Châu thổ là vạt cát bồi ở cửa sông (banc de terrain alluvionnaire) là nơi cát liền cát, sông liền sông, mỗi ngày có hai con nước là con nước lớn, con nước ròng, mỗi tháng có hai con nước là con nước ròng, con nước kém và mỗi năm có một mùa nước nổi tràn ngập các cánh đồng. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi đứa trẻ ở dải đất này khi lớn lên đều thuộc nằm lòng câu đố của cha ông truyền thừa từ thuở khẩn hoang, lập đất: Cái gì có ông mà không có bà, có cửa không có nhà, có bốn đứa con ?

Đó là cái ông Trời, cái Cửa sông, cái con nước lớn, con nước ròng, con nước rong, con nước kém, cái làm nên nhịp sống của đất và người châu thổ, phân biệt rạch ròi với nhịp thủy triều của đồng bằng sông Hồng, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Đồng Nai... là nơi sóng và núi đứng kề nhau mỗi năm có một mùa mưa, lụt. Chữ lũ và chữ lụt không có trong gốc từ của người Nam Bộ, nó được mang theo trong quá trình mở đất của đoàn người Nam tiến và cũng là hậu quả của sự tàn phá môi sinh !

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng Miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.
(lnrasara)

Giờ đây có mấy ai nhớ được rằng trong đoàn người trôi dạt về Nam, có những người Chăm ở vùng duyên hải miền Trung nắng cháy, khô cằn đã đến lập cư ở vùng phù sa quanh năm chìm trong biển nước !

Phải chăng chính địa lý đổi thay đã dẫn đến sự đổi thay về tập tục, văn hóa và cả tâm tính con người. Nếu thiếu một sự mẫn cảm, tinh tế và hòa ái, chúng ta khó nhận ra rằng những người Chăm Bình Thuận và những người Chăm Nam Bộ đều khởi đi từ thánh địa Trà Kiệu, Mỹ Sơn !

Tạm biệt An Phú, Phú Tân, Tân Châu, Châu Đốc, tạm biệt những thánh đường lslam soi bóng bên dòng Cửu Long hùng vĩ, tạm biệt chiếc khăn Muntơra của người con gái Châu Giang !

Mười bảy năm lặn lội khắp miệt vườn Nam Bộ. Vậy mà hôm nay tôi mới về đây, mới hiểu ra rằng: Có một Chămpa giữa lòng nước phù sa...

LÊ ĐÌNH BÍCH

Views: 681 | Added by: up | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Tìm kiếm
Lịch
«  March 2011  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Tạo Mới