Thursday, 28/11/2024, 10:52 PM
Welcome, Guest | RSS
Menu
Mini-chat
200
Thăm Dò Ý Kiến
Rate my site
Total of answers: 27
Thống Kê
Main » 2010 » December » 30 » Lễ hội múa Chăm (Lễ Rija)
3:34 PM
Lễ hội múa Chăm (Lễ Rija)



Lễ hội múa Chăm (Lễ Rija)

Vũ điệu Siva

Rija là một hệ thống lễ múa của người Chăm bao gồm lễ Rija Nưgar (lễ hội múa tống ôn đầu năm), lễ Rija harei (lễ hội múa ban ngày), lễ Rija dayaup (lễ hội múa ban đêm) và lễ Rija Pruang (lễ hội múa lớn).

Trong 4 loại lễ hội múa Rija vừa nêu trên, ngoài lễ hội múa Rija Nưgar là lễ nghi liên quan đến cộng đồng làng Palei, còn các lễ khác chỉ là lễ múa trong phạm vi tộc họ và gia đình.

I. Lễ Rija Nưgar (Lễ hội múa tống ôn đầu năm):

Thời gian mở lễ Rija Nưgar:

Đầu năm khi nghe tiếng sấm rền vang ở phía đông, phía tây là báo hiệu một năm mới người Chăm sắp đến. Người Chăm bắt đầu tổ chức lễ hội đầu năm Rija Nưgar để tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo, để năm mới đón nhận những điều tốt lành cho dân làng và đón nước, cầu mưa, chuẩn bị mở đầu cho việc khai trương, cầy cấy. Người Chăm có thành ngữ:

Khi nghe tiếng sấm hướng đông - tây
Nhân dân hớn hở mới hòng yên tâm
(Bilan than úk thanh ôn
Hamik grum mưnhi gah pur, pai)

Từ tiếng sấm đầu năm đó, người Chăm bắt đầu cắm mốc thời gian cho năm mới, cho lịch pháp. Đó cũng là ngày hội mở đầu năm - mồng một tháng giêng lịch Chăm. Kể từ mồng một cho đến hết thượng tuần trăng tháng giêng là thời gian mở hội lễ Rija Nưgar. Khắp nơi làng Chăm đều tổ chức lễ hội Rija Nưgar. Đối với làng Chăm Ahiêr thường tổ chức lễ hội Rija Nưgar vào ngày thứ tư, thứ năm và Chăm Awal thì ngày thứ năm, thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ (1, 3, 5, 7) trong tháng giêng.

Diễn biến lễ hội Rija Nưgar:

Múa đạp lửa dầu năm - Rija Nưgar

Lễ hội Rija Nưgar được diễn trong một nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống đầu thôn. Nhà lễ (kajang) có 2 mái, được kết cấu bằng 2 vì kèo, mái lợp bằng tấm nhựa (ngày xưa lợp bằng tranh), diện tích khoảng (8m x 5m). Xung quanh được che chắn bằng những tấm liếp tre và chỉ mở một hướng ra vào về hướng đông - hướng thần linh.

Ở trần nhà lễ Rija Nưgar, trong ngày cúng thứ nhất treo một tấm vải trắng hình chữ nhật (1,5m x 1m) gọi là “Lâm tinh” - tượng trưng cho vũ trụ. Bên dưới đối diện với tấm vải là vật lễ “Mưron” - cũng là một tấm vải trắng được cột hai cây gỗ. Và ba cây cột ở đầu nhà lễ đều bao vải trắng. Cách trang trí nhà tương tự như trong không gian thánh đường Hồi giáo - Bàni. Do vậy, ngày đầu cúng lễ Rija Nưgar là cúng cho “thần mới” (yang brou) như các vị thần Alla, mohamach…; đến ngày hôm sau cúng “thần cũ” (yang bimon - yang aklak) như thần Po Inư Nưgar, Po klaung… Tục này còn lưu giữ một cách rõ nét trong tục cúng lễ hội Rija Nưgar ở thôn Bĩnh Nghĩa (Ninh Hải - Ninh Thuận).

Lễ Rija Nưgar được tổ chức trong hai ngày “một ngày vào và một ngày ra” (vào ngày thứ năm ra ngày thứ sáu - tamư di jip tabiak di suk). Hoặc họ gọi theo cách gọi cúng lễ vật “Ngày vào cúng Gà và ngày ra cúng Dê” (tamư mưnuk tabiak pape). Họ còn gọi theo cách cúng lễ vị thần “tamư Po birâu tabiak Po aklak” (Ngày vào cúng thần mới - thần Hồi giáo và ngày ra cúng thần cũ - thần Bàlamôn).

Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng… Ngoài ra trên bàn lễ còn có vật lễ quan trọng là lửa - nước. Lễ vật cũng được người Chăm chia làm hai phần âm và dương mà họ thường gọi nôm na theo tên lễ vật chính là “ngày vào buổi chiều - cúng con gà (thuộc âm) và ngày ra buổi sáng - kết thúc lễ là cúng con dê (thuộc dương)”.

Thầy cúng lễ Rija Nưgar gồm có:

- Thầy Ka in (thầy bóng) mặc áo đỏ múa lễ, đạp lửa, lên đồng phản ánh nguyện vọng của cộng đồng lên thần linh và ngược lại.

- 03 thầy Mưduôn mặc áo trắng vỗ trống Basanưng hát thánh ca của các vị thần (01 thầy hát chính 02 thầy phụ lễ).

- 02 nghệ nhân đánh trống Basanưng.

- 01 nghệ nhân thổi kèn Saranai.

Và cùng nhiều thầy cúng lễ và dân làng phụ lễ.

Nhạc cụ bao gồm: 01 cặp trống Ginăng, 01 trống Basanưng và 01 kèn Saranai.

Đạo cụ múa bao gồm: 01 cây chèo, 01 cây mía đỏ (tượng trưng cho mái chèo thuyền); 01 cây quạt, khăn, và 01 cây roi ngựa. Tất cả đạo cụ, ngoài khăn và quạt được thầy Ka in (thầy bóng) cầm tay còn lại là để tại bàn tổ (danok). Tại bàn tổ nơi để vật lễ và đạo cụ múa còn có một cán rìu (công cụ lao động).

Hệ thống thần linh trong lễ Rija Nưgar: Người Chăm có tục thờ đa thần. Tất cả làng Chăm đều có hệ thống thần linh chung. Nhưng quan trọng là làng nào cúng lễ thì thần làng của làng đó được mời cúng lễ đầu tiên trong hệ thống thần linh chung ấy. Hệ thống thần linh trong lễ Rija Nưgar Chăm bao gồm các vị thần như sau Po Tang, Po Tang Ahok (thần chèo thuyền), Po Gialau (thần rừng trầm, rừng quế), Cey thun, Cey Dalim (Chàng Lựu), Cey Hanim Par, Cey Sit, Cey Pruang (hai hoàng tử), Po Garai phauk, Po Dam (Chàng trai trẻ), Po Riya (thần sóng biển), Nữ thần Po Nưgar (thần mẹ xứ sở), Po Klaung Garai (vua Chăm), Po Rame (vua Chăm), Po patau Bin Thôr, Po Sah Inư, Po Nai, Nai Bia Sôi, Bia Kôn, Bia Nưn, Bia Than Can, Bia Than Cih (Hoàng Hậu)… Ngoài các vị thần trên là các vị thần anh hùng văn hoá, anh hùng dân tộc trong lễ Rija Nưgar còn cúng các vị thần đất (Po bhùm), thần sông, thần nước (Patau ia), thần mặt trời (Aditiak), thần núi (Po cơk), thần biển (Yang tasik), thần lúa (Po yang sri)…

Hành lễ lễ Rija Nưgar: Lễ Rija Nưgar do thầy Mưduôn (thầy vỗ) làm chủ lễ, vỗ trống Basanưng rót rượu lần lượt mời các vị thần và hát bài thánh ca. Thầy Ka in (thầy bóng) dâng lễ vật và múa phụ hoạ theo nhịp trống Basanưng, trống Ginăng, kèn Saranai. Mỗi vị thần được mời về dự thì thầy Ka in (thầy bóng) có một điệu múa riêng, có một sắc phục và đạo cụ riêng. Hầu hết những bài thánh ca của các vị thần đều được rút ra từ những huyền thoại, sự tích, truyền thuyết, tiểu sử (Damnưi) của các vị vua (Po), hoàng hậu (Bia), tướng lĩnh (Cey)… Nhưng trong lúc hành lễ tùy theo thời gian, tâm trạng, tính cách, công lao của các vị thần mà Mưduôn (thầy vỗ trống), hoặc Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) xướng lên nhiều hay ít. Theo nguyên bản, mỗi ca khúc rất dài, có từ 60-100 câu thơ. Tất cả những lời ca này được các nghệ nhân thuộc lòng và được ghi lại thành văn bản chữ Chăm còn lưu truyền trong dân gian hiện nay. Chẳng hạn, khi hát mở đầu lễ Rija Nưgar thì thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng hát mời vị thần Po Tang về dự lễ theo đoạn thơ như sau:

- Hát mời thần Po Tang:
Chúng con xông lửa đốt trầm hương
Kính cẩn, quỳ lạy mời thần Po Tang
Nghe chúng con cất tiếng mời
Ngài đến nước rửa chân, ngồi tại bàn tổ
Xin ngài hưởng lễ vật,
Phù hộ độ trì chúng con

(Galau cuh pahuơl yak ia,
Klaung khôi da a yang Po Tang
Pok sap da a Po mai,
Ia rau takay dơh dang di danok
Kanư Po Palieng suk siam kajap,
Likau kanư kajap bih drey yang Po Tang…)

- Hát về Po Riyak (thần sóng biển):
Ngài Po Rijak quê ở Tánh Linh,
Người mẹ vĩ đại đã sinh ra ngài.
Ngài thông minh từ thuở bé,
Đạo dức tuyệt vời toả sáng khắp nơi.
Lớn lên quên cả việc nhà,
Đi khắp dân gian tìm học bùa phép

(Po Rijak bhum Bicam ia radak,
Mưda Inư sơh tabiak hu Po
Jak rak mưtuon lo,
Tal pruang oh jương thau ka kruk sang
Nau duah mưkru tanau rim harey,
Pieh daung palei Nưgar)

- Hát về thần Po Tang ahuak (thần chèo thuyền): Thầy Mưduôn vỗ trống hát về sự tích thần chèo thuyền, bài hát có đoạn:

Đứng giữa biển khơi là Po Tang ahuak
Bọt sóng tuôn trắng ngần
Như đoàn quân Po Tang ahuak
Bọt sóng lên trứng phau
Như đoàn quân Po tang Ahauk
(Di dalam tasik Po Tang ahauk
Riyak pauh athak patih bhong
Bwơl Po Tang ahauk
Riyak puah patih chai lauw)

- Hát về thần Cey Sít:
Đi La Mecque về làng,
Đất Ma Lâm ngồi chưa nóng chỗ
Đất Phan Rí chê tệ,
Sít qua Cà Ná chẳng ghé qua.

Người làm thuyền qua biển.
Bè gỗ Sít vị theo thần sóng.
(Sit nau Mưkah wơk mưng rai,
bhum di pajai ôh dauk liwik
Palei bhum Rarik lac jak,
Bhum di Chanak ôh wek tamư
Urang ngak gilai urang dik,
Gilai bhak di rakituan Po Riyak.)

- Hát về thần Cey Tathun: thì Mưduôn vỗ trống hát cuồng nhiệt, ca ngợi tính oai phong lẫm liệt của thần. Bài hát về Cey Tathun có đoạn:

Thần tự hoá thân đến,
Lòng mong muốn đi dạo chơi
Thầy Cey thun chạy ngựa vang dậy non sông,
tướng mạo đẹp trai, khôi ngô tuấn tú
Mũ đội đầu, tay cầm roi,
Ống điếu bằng ngà thần mang theo cùng
(Cey thrơh di trey cey mai…,
cuang di hatai nau duah mư in
Urang nau mưin gay ba,
Cey kau mưng rai sa bek havey
Duon tuak havey cey ba,
Gai đin bila cey ba thu bik…)

- Hát về Cey Dalim:
Ta trồi lên mặt nước,
Miệng ngậm cây mác đạp cá sâu dưới chân
Êđê thấy linh gọi ông,
Xây tháp thần cho dân cúng thờ
Êđê dựng rạp rải cát,
Dâng trâu đực làm lễ Rija Harei.

(Nan mưng kau blang di ia
Yak di paya bat di pabah
Rađaiy boh ginrơh ieu on,
Ngak jương Bimôn pok khwoi limah
Rađaiy ngak kajang tuh cwah,
Kabaw tanauw limah ngak Rija Harei).

- Hát về thần Po Hanim Par:
Khen Po Hanim Par thật tài,
chọn đất đai Patau kumey
Khéo thay Alla ban cho ngài,
rời bỏ Palei Po đi chiến đấu
(Mưyom Po hanim par biak girơh,
Po crauk di po siam đay,
Po klak palei nau ngak nưgar…)

Lúc thầy Mưduôn hát thì thầy Ka in cầm roi ngựa múa nhảy theo nhịp trống và tiếng reo hò của người dự lễ. Thầy Ka in (thầy bóng) ngây ngất trong điệu múa và nhập đồng. Đến lúc thăng hoa thầy Kain (thầy bóng) cầm roi ngựa múa, nhảy phi vào đạp tắt đống lửa đang rực cháy trước rạp lễ trong tiếng hò reo của mọi người. Năm nào thầy bóng lên đồng dập tắt đống lửa thì năm đó dân tin rằng mưa thuận gió hoà. Vì lửa tượng trưng cho nắng nóng, khô hạn. Dập tắt đống lửa trong lễ hội Rija Nưgar là tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đem lại khí trời mát mẻ, mưa thuận gió hoà cho dân làng cày cấy.

- Hát về Po Klaung Giarai, Po Rame, thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng hát bài thánh ca kể về các vị vua đã có công dạy dân làm thủy lợi, đắp đập, ngăn sông, xây dựng đền tháp như sau:

Chúng con là thường dân bé nhỏ,
Xin quì lạy mời vị thần Po Rame
Cất tiếng mời ngài đến,
nước rửa chân ngồi tại bàn tổ
Ngài lên trời thủ phép màu,
Ngài Po Rame thật tài
Ngài đắp đập ngăn sông,
chất đá lên núi làm đền

(Akok klaung anưk dun ya,
klaung khôi da a yang Po Rame
Po sap da a Po mai,
Ia rao takay dơh tal danok
Po nau hôr lon ar,
Ginơk Po par yang Po Rame
Po ngak kanon ragar kraung,
Po kăn kanon cơk dak kalan…)

- Đền thần Po Nai thầy Mưduôn hát về sự tích Nữ thần:
Nàng bỏ nhà đi tu ở núi cao rừng rậm,
Nàng đi tu không ai biết
Chỉ vì hổ thẹn bà đi tu,
Đường vào thung lũng rẽ hai
Nàng đi tu ai bày,
Chính Po Thun Garai bày Nàng đi tu
Nai nau tapah they thau,
Sa buah mưlau nai nau tapah
Nai nau tapah they brai,
Po thun Garai biai nai nau tapah

Lúc này thầy Ka in (thầy bóng) đóng vai nữ, là hiện thân của Po Nai mặc áo bông đỏ, đầu đội khăn màu trắng, tay cầm khay trầu trên đó có bông điệp và trái cây múa theo nhịp trống lễ. Thường đến lúc cúng vị thần Po Nai thì thầy bóng Ka in lên đồng phản ảnh nguyện vọng cộng đồng lên thần linh và ngược lại. Ở lễ Rija Nưgar làng Vĩnh Thuận (Ninh Phước – Ninh Thuận) thầy bóng (Kain) nhập đồng trong trạng thái người ngây ngất, toàn thân người thầy bóng run lên. Dân làng lúc này ai cũng van vái, hồi hộp, chờ đợi lời thầy phán xét. Một hồi sau thầy bóng phán: “Tôi (Nữ thần Po Nai) đã đi xa bao năm nay mới về tẩy uế vệ sinh làng palei thì thần mới thường xuyên ghé phù hộ độ trì và cho mưa thuận gió hoà”. Trong lúc thầy bóng đang phán xét thì dân làng vừa lắng nghe, vừa cầu xin thần linh đừng nổi giận, vui lòng hưởng lễ vật lễ Rija mà cho mưa sớm cho dân làng cày cấy. Trong lời khấn vái của dân làng, của thầy lễ luôn có lời khấn cầu nước. Đây là chủ đề mà họ quan tâm nhất trong suốt lễ hội múa Rija Nưgar.

Sau trạng thái lên đồng của Po Nai thì họ tiếp tục hát mời và tiểu sử các vị thần linh khác Po Sah Inư, Bia kon, Bia soi, Bia nưn, Bia Than Can, Than Cih… Cuối cùng thì họ cúng các vị thần đất, thần sông, các người đã khuất mà đã có công khai khẩn, tiền hiền trong làng rồi kết thúc lễ ngày đầu (ngày thứ nhất) của Rija Nưgar vào buổi chiều bằng lễ cúng cơm (Pathan pabah). Đây chỉ mới kết thúc một nửa - phần đầu (phần âm) của lễ Rija Nưgar.

Tiếp tục lễ Rija Nưgar là phần nửa còn lại được tiếp tục vào sáng ngày mai – cúng dê - thuộc về dương. Nội dung phần lễ cúng này tương tự như lễ ngày đầu, chỉ khác là lễ ngày ra (ngày thứ hai) có tiễn đưa “hình nhân thế mạng” (Salih). Hình nhân thế mạng được làm bằng bột gạo sống bao gồm: 04 hình người (2 đàn ông, 2 đàn bà) và hình trâu bò, heo, rắn…đặt trên một cái tra đan bằng tre. Lễ nặn “hình người” (Salih) do thầy Mưduôn (thầy vỗ trống) và thầy Ka in (thầy bóng) thực hiện. Thầy Ka in ngồi ở bàn tổ tay cầm bột gạo sống vừa nặn hình người, động vật, miệng vừa khấn vái. Lúc này thì thầy Mưduôn vừa vỗ trống Basanưng, vừa hát về bài kinh lễ ca ngợi Nữ thần Po Inư Nưgar, Po Sah Inư “có công trong việc tạo ra trời đất, con người, vật nuôi cây trồng/ dạy con người biết cày cuốc, biết dệt biết thêu, / cho cây cối tốt tươi, con người sinh sôi nảy nở …” (Mưng pajương tanưh pajương kau/ mưng jương Po Sah Inư/ Po trun rai, lâm linh, mưng nguak/gan patoh mưng ala). Sau khi nặn hình người, thú xong, thì họ lại tiếp tục múa hát, cúng các vị thần linh như ngày đầu.

Cuối cùng là lễ tiễn đưa hình nhân (salih). Hình nhân này chính là “Salih” (thay thế, hoán đổi) cho dân làng, cho con người mang đi những xấu xa, xui xẻo, nắng nóng, khô hạn của năm cũ và năm mới dân làng sẽ đón nhận được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Nghi thức lễ tiễn đưa “hình nhân thế mạng” này (Palau Salih) được diễn ra tại một ngã ba đường làng (có làng tiễn xuống dòng sông). Trước khi tiễn xưa “hình nhân thế mạng”, thầy Mưduôn bài kinh lễ tiễn đưa như sau:

“Hỡi chúng sinh có mặt trên cái tra này
Chúng mày có hai đàn ông hai đàn bà
Đàn ông biết cày, biết cuốc
Đàn bà biết dệt, biết thêu
Chúng mày phải đi thay thế cho dân làng
Mang đi ốm đau, bệnh tật, mất mùa, nắng nóng ra đi
Cho dân làng khoẻ mạnh bình yên
Hỡi chúng mày Salih!
Chúng mày phải đi tâu với thần yang
Nếu chúng mày, không nói trung thực
Thì con Ó và Đại bàng sẽ hành huyết chúng bay
Mày hãy nói những lời dân làng căn dặn.
(Salih lơi! Salih!
Hư dwa likey dwa kamey
Likey thau juang thâu amra
Kamey thau munhim thau lawey
Hư nau ka anưk adam duak wơk
Joi padik akauk bok tian joi
Anưk adam suk sak tal taha)

(Salih lơi! Salih!
Hư joi dom plơh dom plan joi
Hư dom plơk grơk băng hư
Hư dom jhak ak hư
Hư dom yau kau takey).

Khi “hình nhân thế mạng” được dân làng tiễn đến ngã ba đường làng (hoặc thả trôi sông) thì lễ Rija Nưgar kết thúc. Tất cả dân làng đều tin rằng cái tra “hình nhân thế mạng” sẽ thay thế cho mình mang đi những bệnh tật, mất mùa năm cũ và đem lại cho họ sức khoẻ, bình an, mưa thuận gió hoà mùa màng bội thu.

Lễ Rija Nưgar, ngoài lễ nghi chung có tính chất bắt buộc nêu trên thì một số làng Chăm còn có một số tiểu kiết lễ khác nhau. Chẳng hạn ở làng Chăm Bĩnh Nghĩa làm lễ Rija Nưgar có thêm tục hát đối đáp (dauh sa) và múa phồn thực (tamia klai kluc). Chúng tôi xin trình bày ra đây để bạn đọc tham khảo.

Hát đối đáp và múa phồn thực được diễn ra trước nhà lễ Rija Nưgar trong ngày thứ hai của lễ. Hát đối đáp do một nhóm Nam và một nhóm Nữ thực hiện. Hát về chủ đề thần mẹ xứ sở Po Inư Nưgar Hamu Kut thì họ hát như sau:

Hát về vị Thần mẹ xứ sở Po Inư Nưgar:

- Nam hát: Cò bay trong buổi sáng tinh mơ,
Cò bay cò đậu trên đồng phù sa
- Nữ hát: Cò bay trong đêm tối mịt mù,
Cò bay cò đậu trên đồng lúa xanh
(Sa bok kuak par mưng page,
lek di hamu ak
Sa bok kauk mưng klam,
Klek di dam hamu tanưh)

Hát về thần Po Bin Thuôr:

- Nam hát: Đi mài rựa mài búa,
Lên rừng núi chặt cây
- Nữ hát: Đi chặt gỗ ba cành,
Lấy thân làm ván anh nằm,
Hai canh còn lại,
dựng cột nhà cho em
(Thak juang drey ka luah,
Tagok cơk nau luak kayau.
Nau luak kayau klau dhan,
Phun ngak pan jung ngak mek)
Hát về nữ thần Po Sah:

- Nam hát: Nữ thần Sah Inư,
Hai con rắn thần quấn quay cửa đền thần
- Nữ hát: Nữ thần Po sah Inư hiện ba lần,
Hai con bồ câu đậu hai bên đền thần
(Po Sah Inư bal dua,
dua drey anưk ula dang boh bang
Po Sah Inưbal klau,
Dwa drey katrau dang dwa bok tabang)

- Múa phồn thực (tamia klai kluc):

Khi kết thúc lễ hát đối đáp thì đến lễ múa phồn thực. Lễ múa phồn thực trong lễ Rija Nưgar do một người đàn ông có tầm vóc to khoẻ được dân làng bầu chọn và Bà bóng (Muk pajau) đảm nhiệm. Trước khi vào lễ người đàn ông làm nghi thức mặc y phục (váy, áo, khăn trùm đầu) và tay cầm 3 cây gỗ tre hình dương vật dài khoảng 25cm, đầu nhuộm màu đen. Khi vào lễ thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát lễ về Po Inư Nưgar. Người đàn ông cầm cây dương vật múa nhún nhảy như động tác giao hợp. Sau một hồi nhúm nhảy trong tiếng hò reo và lời khấn vái của người dự lễ thì người đàn ông chuyển cho bà bóng (Muk Pajau) tiếp tục múa và cuối cùng làm lễ tẩy uế 3 cây dương vật trên cái tra đặt “hình nhân thế mạng” (Salih). Sau đó 3 cây dương vật được dân làng tiễn đưa cùng với những “hình nhân thế mạng” (salih) ra ngã ba đường làng và kết thúc nghi lễ Rija Nưgar.

Tóm lại: Lễ Rija Nưgar được tổ chức hai ngày, mặc dù mỗi làng Chăm đều có một số tiểu tiết lễ khác nhau nhưng chung qui lại lễ Rija Nưgar cơ bản là giống nhau. Mục đích của lễ này là người Chăm đem lễ vật cầu cúng để tránh được tai ương bệnh tật, cầu được mùa và sức khoẻ cho dân làng. Qua lễ Rija Nưgar người Chăm còn gắn với sự tích lịch sử, những vị anh hùng văn hoá, anh hùng dân tộc mà họ suy tôn thành thần linh. Toàn bộ lễ Rija Nưgar liên quan đến đời sống tín ngưỡng dân gian như đã trình bày là tín ngưỡng nguyên thủy, tục thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc và đậm nét nhất tín ngưỡng liên quan đến nghề nông. Lễ Rija Nưgar còn chứa đựng nhiều vấn đề cốt lõi lịch sử, văn hoá nghệ thuật như những loại truyền thuyết, sự tích, thơ ca, tục cúng tế, các loại hình ca múa nhạc dân gian Chăm. Tất cả những yếu tố trên đã liên kết, phụ thuộc vào nhau, tạo nên ở lễ Rija Nưgar một diện mạo của lễ hội Chăm đa dạng và độc đáo.

II. Lễ Rija Harei (Lễ hội múa ban ngày):

Mục đích và ý nghĩa của lễ: Sau khi lễ Rija Nưgar (lễ múa tống ôn) mở đầu lễ hội cho dân làng kết thúc thì các gia đình, tộc họ bắt đầu tổ chức lễ Rija Harei cho mình. Lễ Rija Harei là lễ nghi của một tộc họ hoặc gia đình nhằm cầu xin các vị thần linh, tổ tiên phù hộ độ trì cho các thành viên trong tộc họ sức khoẻ, bình an trong năm mới. Đây còn là lễ nhằm tâu trình với tổ tiên, xin phép thực hiện một công việc, một sự kiện quan trọng mà tộc họ sắp tổ chức như lễ tế trâu, lễ nhập kút…

Thời gian và địa điểm tổ chức lễ: Lễ Rija Harei thường tổ chức vào ngày lẻ thượng tuần trăng tháng giêng lịch Chăm. Lễ Rija Harei được diễn ra vào buổi chiều tại một bãi đất trống hoặc trong sân nhà của gia đình tộc họ. Nhà lễ được cất tạm thời đơn giản, không lợp mái, chỉ được chấn ngang xung quanh hình vòng cung (hay nửa vòng tròn – Rija harey mưtưh buah) bằng liếp tre và chừa một khoảng ra vào về phía tây.

Chủ tế lễ Rija Harei: do thầy Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) và thầy bóng (Kain) phụ trách lễ. Nhạc cụ sử dụng trong lễ gồm có trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai…Lễ vật: 01 con gà luộc, 5 mâm cơm, rượu trứng, xôi chè, hoa quả…

Hành lễ: Sau khi nhà lễ, vật được chuẩn bị xong, các vị chủ tế ngồi vào bàn tổ cúng lễ; bà con trong tộc họ, gia đình ngồi xung quanh rạp lễ. Mở đầu lễ thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng mời các vị thần linh về dự lễ và hưởng lễ vật. Thần linh được mời về dự lễ là: Po Tang, Po Riyak (thần sóng biển), Po Tang Ahuak (thần chèo thuyền),Cey Sit, Cey pruang (hai hoàng tử), Cey Dalim (chàng lựu), Cey Tathun (Po Klaung Garai), Po Hanim Par, Po Rame, Po Galau (thần giữ rừng trầm, rừng quế), Po Sah Bingu, Po Sah Inư, Po Nai, Po Truak, Po Patra (thần tổ tiên)… Mỗi vị thần khi Mưduôn mời về dự thì ông đều vỗ trống Basanưng và hát – hát những bài thánh ca, kể về tiểu sử và ca ngợi công lao, sự tích của các vị thần…tương tự như ở lễ Rija Nưgar (Lễ múa tống ôn đầu năm). Chẳng hạn, hát về thần Cey Tathun (hoá thân của thần Po Klaung Garai), Mưduôn có đoạn hát như sau:

Xoài nở rụng tháng giêng
Cho trái non hương bay khắp xứ
Alla ban cho chú đủ đầy,
Dân khắp xứ sở ban tiến muôn
Vui thú chú một mình,
Hoá phép linh nuôi ông bà…
Bilan sa bauk bauk brai
Bingu saung catai blơu grơp Nưgar
Alwah crauk ka cey bial tal
Di cơp nưgar ba jien rituh
Cey dauk sa drey bwei sơh,
Sunit ginrơh raung muk taha.

Trong lúc thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng hát bài thánh ca thì thầy bóng (Ka-in) múa cầm roi mây hoặc cây chèo thuyền, cây mía đỏ, khay trầu… nhảy múa theo nhịp trống Basanưng, Ginăng, kèn Saranai… Đặc biệt là khi Mưduôn hát đến vị thần Po Hanim par thì thấy bóng (Ka-in) cầm roi ngựa, múa đi vòng quanh đống lửa đang rực cháy ở trước rạp lễ. Lúc này điệu hát múa, nhạc lễ đều dồn dập, thúc giục thầy bóng (Ka-in) múa nhảy vào dập tắt đống lửa trong tiếng reo hò và cổ vũ của mọi người. Tiếp theo lễ, thầy Mưduôn vỗ trống Basanưng lần lượt mời các vị thần khác rồi làm lễ cúng tổ tiên (Po trauk, patra) và kết thúc lễ Rija Harei.

Tóm lại: Lễ Rija Harey thực sự là lễ hội của cộng đồng gia tộc. Mặc dù thời gian diễn ra rất ngắn nhưng đó chính là khoảnh khắc thăng hoa về tâm linh. Khoảnh khắc ấy là dịp để thành viên trong gia tộc gặp gỡ tạ ơn tổ tiên, thần linh; ôn lại những truyền thống lịch sử hào hùng; thưởng thức các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian mà ông bà tổ tiên để lại để mà trao truyền cho thế hệ mai sau. Và mục đích cuối cùng là qua lễ Rija Harey (lễ múa ban ngày), tộc họ người Chăm cầu mong cho sức khoẻ, mùa màng, đời sống tộc họ được may mắn, sung mãn.

III. Lễ Rija Dayuap (Lễ hội múa ban đêm):

Mục đích và ý nghĩa của lễ: Lễ Rija Dayuap hoặc còn gọi là Rija Klam là loại lễ hội múa ban đêm để phân biệt với lễ múa ban ngày (Rija Harey). Lễ Rija Dayuap (lễ hội múa ban đêm) được tộc họ hoặc một gia đình người Chăm tổ chức nhằm cầu xin tổ tiên thần linh giúp cho tộc họ vượt qua khó khăn trong công việc của tộc họ như lễ tế trâu, đám tang, nhập kút… hoặc là gia đình thoát khỏi tai ương bệnh tật. Lễ này cũng có một số nội dung, tiểu tiết lễ tương tự như lễ múa ban ngày (Rija Harei) và lễ múa lớn (Rija Praung). Do vậy người Chăm thường nói: hai lễ Rija Dayaup (lễ hội múa ban đêm) bằng một lễ múa lớn (lễ Rija Pruang). Nếu lễ Rija Harei mang yếu tố dương thì lễ Rija Dayaup (Lễ hội múa ban đêm) là mang yếu tố âm. Lễ Rija Dayuap (lễ hội múa ban đêm) diễn ra đúng như tên gọi của nó là diễn ra tại một rạp lễ vào lúc ban đêm. Lễ thường diễn ra vào tháng 2 hoặc 3 lịch Chăm, được tổ chức ở cả cộng đồng Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Lễ hội múa ban đêm có hai hình thức cúng lễ: lễ Rija Dayuap thuộc dòng núi (Atau cơk) và Rija Dayuap thuộc dòng biển (atau tasik). Hai hình thức lễ này có một số tiểu tiết lễ chung và khác nhau.

Hành lễ múa ban đêm (Rija dayaup): Lễ này do Mưduôn (thầy vỗ trống Basanưng) và thầy Acar (tu sĩ nhóm Chăm Awal) và Muk Rija (Vũ sư) thực hiện. Nhạc cụ sử dụng là trống Basanưng, Ginăng, kèn Saranai. Trước khi vào lễ múa ban đêm thì vào buổi chiều thầy Mưduôn, Po Acar và Muk Rija…tổ chức cúng khai lễ bằng lễ chay (kaya yuơr) cho các vị thần thuộc nhóm Chăm Awal (yang birow) và cúng lễ mặn (kaya klăm) cho các vị thần thuộc nhóm Chăm Ahiêr (yang bimon).

Lễ cúng chay (kaya yuơr) bao gồm các lễ vật như xôi, chuối, bánh bột gạo… Mưduôn vỗ trống và đọc kinh bằng tiếng Mãlai (akhar Java) mời thần linh về dự. Lễ này có Po Acar (tu sĩ nhóm Chăm Awal) – thay mặt cho thánh Alla (Âuloah) chứng lễ. Sau khi kết thúc lễ cúng chay thì đến lễ cúng mặn. Lễ cúng mặn (kaya klăm) do thầy Mưduôn thực hiện. Lễ vật gồm có 01 con gà luộc, 5 mâm cơm… Thần linh được Mưduôn mời về dự lễ này là thần Bàlamôn (yang Bimon) như Pô Inư Nưgar, Po Klaung Garai, Po Rame… Sau khi lễ cúng các thần ở các đền tháp kết thúc thì bà con ăn uống cộng cảm, chuẩn bị vào múa ban đêm.

Diễn biến lễ múa ban đêm (Rija Dayuap): Sau khi lễ trên vừa kết thúc thì trời sẩm tối, bà con, thành viên trong tộc họ bắt đầu tựu về đông đủ. Lễ chính thức do Mưduôn, thầy Acar Muk Rija (Vũ sư) và nghệ nhân đánh trống Basanưng, Ginăng, kèn Saranai thực hiện. Bước vào lễ múa, Muk Rija (vũ sư) ngồi vào bàn tổ chính trong nhà lễ. Ở bàn tổ, trước mặt Muk Rija là mâm trầu được kết thành ba tầng (thôn hala) và “chiết Atâu”, cơi đựng trầu cau, rượu trứng, chén lửa… Khi vào lễ Mưduôn vỗ trống Basanưng mời thần linh. Muk Rija tay cầm quạt cầu khấn và dâng lễ vật lên thần linh. Tuỳ theo tộc họ thờ dòng núi (atâu cơk) hay dòng biển (atâu tasik) mà thầy Mưduôn mời các vị thần như sau:

- Hệ thống thần linh tộc họ dòng núi (atau cơk) bao gồm các vị thần như Po cah ya, Po bal mưta, Pata Po, Patra likey. Patra dakga, Rat Inư, Pata mưnôn, Patri bang so, Patri chan ni, Patri dara nai neh, Patri bia atakal, Patri banlikam…

- Hệ thống thần linh tộc họ dòng biển (atau tasik) bao gồm các vị thần như Po mat tituk, Bana jali, Bana jawơt, Bana mưsiêr, Basa mư jatai, Po bana Jali, Po man sri, Jalimit, Jalikam, Patri ridang, Java than mưta…

Trong tục mời cúng các vị thần trong lễ múa này, nếu là cúng dòng núi (atau cơk) thì họ chỉ mời cúng các vị thần dòng biển. Nhưng nếu tộc họ nào thuộc dòng biển (atau tasik) thì họ mời cúng luôn cả hai hệ thống thần linh dòng núi và dòng biển. Mỗi khi mời vị thần thì Mưduôn đều vỗ trống Basanưng hát lễ bằng tiếng Mãlai và Muk Rija múa phụ hoạ. Ở đây có tất cả đến 24/76 điệu trống lễ mang tên các vị thần vừa nêu trên. Mỗi điệu trống thì Muk Rija (vũ sư) có điệu múa riêng, nhưng nổi bật nhất vẫn là điệu múa truyền thống như múa didin (điệu múa chim công), điệu choong (rồng bay), điệu kaman (chim trĩ), Patra (chim bay)… Mỗi điệu mùa và bài cúng của thầy Mưduôn được kết thúc bằng một “cây đuốc” (bó trôi).

Lễ Rija Dayaup, ngoài điệu múa trên còn diễn ra “tục hèm” nhằm để diễn tả một hành động của con vật nào đó mà họ cho là có liên quan đến tổ tiên, dòng tộc. Đa số tộc họ của người Chăm tục hèm thường gắn với con ngựa, con trâu, con hổ… Sau lễ hèm kết thúc thì bà con trong tộc họ vào rạp lễ, lạy tạ tổ tiên, thần linh - những người đã phù hộ cho họ sức khoẻ tài lộc, bình an, con đàn cháu chắt…

Tóm lại: Lễ Rija Dayaup (lễ múa ban đêm) thực sự là đêm hội của tộc họ. Đó là đêm gặp mặt của con cháu - tổ tiên - thần linh. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, ấm cúng, qui tụ được tất cả thành viên trong tộc họ. Đó là đêm gặp mặt của con cháu - tổ tiên - thần linh. Mọi người quây quần bên nhau chứng lễ hương hồn của tổ tiên, vừa thưởng thức một đêm hội tinh thần trong tiếng trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai…

IV. Lễ Rija Praung (Lễ Hội múa lớn):

Lễ hội múa lớn - Rija Praung

Mục đích ý nghĩa của lễ: Lễ Rija Praung là lễ nghi lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội múa Rija của người Chăm. Người Chăm thường nói: Hai lễ hội múa ban đêm (Rija Dayuap) hợp lại thì thành một lễ hội múa lớn (Rija Pruang). Cũng như lễ hội múa ban đêm (Rija Dayuap), lễ hội múa Rija Praung là lễ hội của tộc họ.

Lễ chỉ diễn ra khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp phải tai ương đã chữa trị bằng nhiều phương cách nhưng không qua được thì người Chăm tổ chức lễ Rija Praung để cầu mong thần linh, tổ tiên cho người bị bệnh tai qua nạn khỏi. Lễ hội Rija Praung còn được tổ chức trong trường hợp tộc họ tôn chức Vũ sư (Muk Rija) để trông coi “chiết atâu” cúng lễ cho tộc họ. Lễ hội Rija Praung còn được tổ chức khi các thầy Mưduôn thầy vỗ trống Basanưng và các nghệ nhân đánh trống Ginăng, kèn Saranai thăng quan, tiến chức…

Nguồn gốc của lễ hội Rija Pruang: Căn cứ theo nhiều nguồn tư liệu, lễ hội Rija Pruang được các nhà nghiên cứu cho rằng có nguồn gốc từ Mã Lai và ảnh hưởng văn hoá Hồi giáo.

Trong tập Calague giới thiệu về Y phục Champa - Mãlai ở Việt Nam của TS. Po Dharma (chủ biên) có viết: Rija là lễ múa nối tiếng của người Champa bị ảnh hưởng bởi hình thể Makyong Mã Lai. Nhân vật anh hùng trong lễ múa Rija tên là Laksamana Jinjang - một hoàng tử từ Kelantan - Mã Lai đến. Đây là lễ múa liên quan đến chuyến viễn hành lịch sử bằng đường thủy của hoàng tử Jinyang đến Champa. Trên chuyến viễn hành đó, tàu của hoàng tử bị đánh úp bởi sóng biển. Cuối cùng hoàng tử cũng được cứu sống và đến được Champa kết hôn với công chúa Chăm, sinh sống với nhau có một vài đứa con. Sau khi hoàng tử Jinjang chết, người Chăm tôn thờ ông ấy như thần tổ tiên. Lễ múa Rija là một lễ dâng cúng tưởng nhớ đến ông ấy - một hoàng tử Mã Lai - người mà rất nổi tiếng như một chiến sĩ vĩ đại trong bản anh hùng ca Champa.

Cũng theo TS, Po Dharma: Rija là lễ hội gốc Mã Lai sang Champa vào thế kỷ 17. Lễ Rija Pruang Atau tasik (Dòng biển) là diễn lại sự tích hoàng tử Mã lai Putra Jingyang sang Champa bằng đường biển. Và Rija pruang atau cơk (dòng núi) là tưởng nhớ lại hoàng tử MãLai sang Champa bằng đường bộ theo ngả đường bộ Campuchia.

Theo TS. Phan Văn Dốp: “Lễ Rija Praung diễn lại mối quan hệ giữa một công chúa Chăm và hoàng nhân Mã Lai đồng thời thể hiện giữa dòng núi (atau cơk) và dòng biển (atau tasik) của người Chăm…

Văn Món còn nhận định: “Lễ Rija Pruang - một tín ngưỡng Hồi giáo của người Chăm Ninh Thuận”

Còn theo sự tích dân gian người Chăm kể rằng: Lễ Rija praung có từ thời vua Po Rame (1627 - 1651) có bang giao với các nước láng giềng và có một dịp vị vua Po Rame đã mời đoàn khách Malayu (Mã Lai) về thăm Champa. Đoàn khách Malayu gồm có 7 chiếc thuyền đến Chămpa bằng đường biển nhưng khi đến eo biển Mũi Né (Phú Hài – Phan Thiết) thì bị Po Sah Inư - một vị tướng của người Chăm ngộ nhận và cho quân đánh chìm 5 chiếc thuyền, sau này chỉ còn lại 2 chiếc. Biết đó là sự ngộ nhận của Po Sah Inư nên vua Po Rame bỏ qua và ra lệnh vớt xác nạn nhân đồng thời dựng lên nghi lễ Rija praung. Đây là lễ nghi được diễn lại theo nghi thức lễ của nạn nhân để tiễn đưa vong hồn người chết và người sống sót trở về lại nước Mãlai. Từ đó lễ Rija praung đã đi vào phong tục, tập quán gắn chặt với kí ức và đã ăn sâu đời sống tín ngưỡng dân gian Chăm. Do đó, ngày nay trong lễ Rija praung dòng biển (atau tasik) có tục tiễn đưa 4 người trên hai chiếc thuyền bằng gỗ thả ra sông, biển là tượng trưng cho việc tiễn đưa người chết và nạn nhân sống sót trong sự kiện trên về lại Malayu.

Các bước chuẩn bị cho lễ Rija Pruang: Để thực hiện nghi lễ này, tộc họ người Chăm chuẩn bị rất chu đáo và có nhiều điều cấm kị. Khi tổ chức lễ này thì tộc họ phải bàn bạc thống nhất, quyên góp tiền của một thời gian dài, vì có lễ thực hiện trong thời gian 7 ngày 7 đêm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ tiền của thì tộc trưởng (Akauk gơp) đem lễ vật (rượu, trứng) đến nhà thầy Mưduôn để xin ngày lành tháng tốt thực hiện lễ. Trước khi thực hiện lễ này, tộc họ cũng phải đem lễ vật (1 con dê, 5 mâm cơm) để cúng xin phép thần linh ở các đền tháp Chăm và cúng 5 mâm cơm trong lễ gia tiên.

Lễ dựng nhà lễ (kajang): Nhà lễ (kajang) phải làm bằng gỗ hoàn toàn mới chặt trên rừng; gỗ phải cùng chặt chung một khu rừng. Cấm kị trong nhà lễ múa lớn không được sử dụng gỗ cũ để làm nhà lễ. Khi gỗ được chặt từ rừng về thì người Chăm còn làm lễ đón rước tại đầu làng. Lễ đón rước gồm có Mưduôn (thầy vỗ trống), Muk Rija (vũ sư), và một số người phụ lễ với lễ vật bao gồm 1 cặp gà, rượu trứng, chuối… Sau đó người Chăm còn làm lễ tẩy uế gỗ bằng nước cát lồi trước khi dựng nhà lễ. Cũng như nhà lễ múa ban đêm (lễ Rija Dayuap) nhưng nhà lễ Rija Praung có kích thước lớn hơn, diện tích (20m x 10m). Nhà lễ được cất bằng gỗ, tre, mái lợp tấm bạt, xung quanh được che bằng những tấm liếp đan bằng tre (katăng). Nhà lễ nằm theo hướng đông tây, chỉ mở một cửa chính theo hướng tây và một cửa nhỏ phụ ở phía bắc. Trong nhà lễ có trang trí bục đứng giảng (padan) bằng gỗ có lót vải trắng và ở trần nhà lễ có treo một miếng vải trắng gọi là “tâm linh” (nơi trú ngụ thần Allah), và 3 cây cột ở vì kèo nhà lễ được bao bọc bằng vải trắng… Đây là nơi đặt bàn tổ chính (danok) của lễ Rija Pruang – bàn tổ của thầy chủ lễ Mưduôn. Ở phía bên trái của nhà lễ (tính từ ngoài vào) là bàn tổ (danok) của vũ sư (Muk Rija) được che bằng tấm vải có trang trí hình hoa lá, người, động vật (panin). Bàn tổ (danok) của vũ sư (Muk Rija) chính là tượng trưng cho bụng mẹ - nơi sinh ra bà vũ sư. Bên phải nhà lễ là bàn tổ (danok) Po Acar (tu sĩ nhóm Chăm Awal) và ban nhạc lễ (nghệ nhân đánh trống Ginăng, Basanưng, kèn Saranai). Đối diện với nhà lễ chính (kajang) cách 8 m về phía tây thì có một nhà bếp trong đó có đặt 3 bộ ông táo để nấu cơm nước phục vụ nghi lễ.

Nhà lễ (kajang) Rija Praung được thực hiện chu đáo, từ vật liệu xây dựng, đồ cúng lễ, ông táo… phải là đồ mới tinh khiết không bị ô uế…để cúng thần linh Awal (yang birou). Đặc biệt cách trang trí nhà lễ (kajang) lại có mặt “tâm linh”, “paban” - tương tự như cách trang trí trong thánh đường (sang mưgik) của người Chăm Hồi giáo - Bàni.

Nhà lễ (kayang) Rija pruang sau khi được xong thì người đầu tiên bước vào nhà lễ là Po Acar làm lễ khai kinh (Sarawat) cầu các vị thần Âuloah - Mohamat - về chứng giám nghi lễ Rija Praung.

Hành lễ Rija Praung (lễ hội múa lớn): Lễ kéo dài trong thời gian 4 ngày 4 đêm; có lễ lớn đến 8 ngày 8 đêm. Tùy theo lời cầu khấn của gia đình, tộc họ mà qui định hình thức nghi lễ. Xét về mặt nghi lễ, Rija praung có 2 hình thức: Nghi lễ dòng núi (atau cơk) và nghi lễ dòng biển (Atau tasik). Trong hai hình thức nghi lễ ấy thì lễ dòng biển (Atau tasik) có nội dung phong phú hơn, bao hàm cả nghi thức dòng núi (atau cơk). Tùy theo lời cầu khấn của gia đình tộc họ mà tiến trình lễ sẽ đi theo các bước sau: Lễ “Rija praung cúng để trả nợ” cầu khẩn của tộc họ, người Chăm gọi là “Rija thre”; “lễ tôn chức vũ sư” (Pok Rija) và “lễ mừng chức vũ sư” (Rija patruh hoặc Rija hala ôn).

(Trích trong: "Lễ hội của người Chăm" - Tác giả: Văn Món - Sakaya)

Views: 1083 | Added by: up | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Tìm kiếm
Lịch
«  December 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
   1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031
Tạo Mới